Mục tiêu tài chính là những mục tiêu giúp bạn xác định ngân sách để thực hiện những dự định cụ thể trong một khoảng thời gian xác định. Từ đó, bạn sẽ kiểm soát được tài chính cá nhân, tăng hiệu quả tiết kiệm và đầu tư. Ngoài ra, việc đặt ra các mục tiêu và lần lượt chinh phục từng cột mốc là điều cần thiết. Vì những cột mốc ấy sẽ là động lực để ta liên tục nâng cao sức khỏe tài chính.
Phân loại mục tiêu tài chính
Mục tiêu tài chính có thể được phân loại thành: mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu trung hạn và mục tiêu dài hạn.
- Mục tiêu ngắn hạn (dưới 3 năm): là các khoản cần chi tiêu trong tương lai gần. Ví dụ như chi phí sửa chữa nhà đón năm mới, nâng cấp laptop hay điện thoại đã cũ, một chuyến du lịch trong năm cho đại gia đình hay xây quỹ dự phòng tài chính đề phòng trường hợp thất nghiệp hay có khoản chi cấp thiết ngoài kế hoạch.
- Mục tiêu trung hạn (từ 3 đến 10 năm): là các khoản chi cần số tiền lớn hơn và thời gian có thể kéo dài hơn như trả hết nợ, hay mua nhà, mua xe, chuẩn bị học phí cho con…
- Mục tiêu dài hạn (trên 10 năm): là những mục tiêu mà chúng ta muốn thực hiện trong tương lai xa và cần hành động kiên trì, bền bỉ. Ví dụ như đầu tư tích sản để chuẩn bị cho hưu trí an nhàn, hay xây dựng danh mục tài sản tạo ra thu nhập thụ động chinh phục tự do tài chính.
Các bước xây dựng mục tiêu tài chính
Để xây dựng mục tiêu tài chính, có một số bước quan trọng mà bạn có thể tham khảo:
Bước 1. Xem xét tình hình tài chính hiện tại
Đầu tiên, hãy lập bảng một bảng thống kê. Bao gồm thu nhập, chi tiêu hàng tháng và danh mục tài sản hiện có của bạn. Điều này sẽ giúp bạn nhìn được bức tranh tổng quan tài chính hiện tại để đặt ra những mục tiêu phù hợp với khả năng.
Bước 2. Liệt kê và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu tài chính
Sau khi đã có cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính, hãy liệt kê những mục tiêu tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn. Mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Ví dụ như mục tiêu này dành cho ai, số tiền cần chuẩn bị, khi nào cần đạt được và ý nghĩa của mục tiêu đối với cho bạn. Quan trọng hơn hết, hãy sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu, tập trung nguồn lực cho những mục tiêu quan trọng.
Bạn có thể sử dụng công cụ Tháp tài sản HWG để có thể phân bổ tài sản. Tìm hiểu thêm về Tháp tài sản HWG: https://dgoacademy.vndirect.com.vn/thap-tai-san-hwg-kien-tao-bao-an-tai-chinh/
Bước 3. Lên kế hoạch cho từng mục tiêu và thực hiện ngay
Với mỗi mục tiêu, bạn hãy gạch đầu dòng các bước thực hiện. Sau đó, hãy chọn những mục tiêu ngắn hạn, đơn giản để bạn có thể thực hiện ngay. Điều này giúp bạn tạo đà và tự tin hơn trong việc đạt được mục tiêu tài chính.
Bước 4. Định kỳ đánh giá tiến độ thực hiện mục tiêu
Tiến độ của mục tiêu cần được đảm bảo rằng mọi thứ vẫn đang như kế hoạch. Hãy dành thời gian định kỳ đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu. Sau đó xem xét lại phương án đầu tư có còn phù hợp với điều kiện hiện tại không. Nếu cần thiết, hãy điều chỉnh kế hoạch và cải thiện phương pháp. Việc thay đổi kế hoạch dự phòng để phù hợp hơn với điều kiện thực tế là rất quan trọng. Để ta có thể vẫn đạt được mục tiêu cuối cùng.
Lời kết
Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc xây dựng và thực hiện mục tiêu tài chính là một hành trình dài. Ta cần hành động kỷ luật và quyết tâm cao để đạt từng cột mốc tài chính. Hãy lựa chọn cam kết kỷ luật bản thân với các mốc mục tiêu mà bản thân đã đề ra. Cuối cùng, ta có thể đạt được bản an tài chính trong tầm tay.